Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công bố một thông tin đáng lo ngại vào ngày 2/4, sau khi tiến hành kiểm nghiệm 7 mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo hỗ trợ tăng cường sinh lý nam.
Kết quả cho thấy tất cả các mẫu này đều dương tính với Sildenafil và Tadalafil. Đây là hai hoạt chất dùng trong điều trị rối loạn cương dương, thuộc danh mục bị cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe do tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người dùng nếu không có chỉ định và giám sát y tế chặt chẽ từ bác sĩ.
Trong số các sản phẩm vi phạm, có đến 5 mẫu thuộc thương hiệu Man Plus Gold, do Công ty TNHH Dược phẩm quốc tế Bảo Ngọc (trụ sở tại số 47, tổ 9 Yên Duyên, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chịu trách nhiệm phân phối.
Các lô sản phẩm Man Plus Gold bị phát hiện bao gồm cả loại hộp 30 viên, 50 viên và 60 viên, với các ngày sản xuất và hạn dùng khác nhau.
Cụ thể: Lô Man Plus Gold (hộp 50 viên, số lô 040325, ngày sản xuất: 4/3/2025, hạn sử dụng: 4/3/2028) có hàm lượng Sildenafil: 0,51mg/kg; hàm lượng Tadalafil: 0,22mg/kg.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Man Plus Gold (hộp 50 viên, số lô: 022024; ngày sản xuất: 2/12/2024; hạn sử dụng: 2/12/2027) có hàm lượng Sildenafil: 55,1mg/g; hàm lượng Tadalafil: 18,7mg/g.
Thực phẩm bổ sung Man Plus Gold (hộp 30 viên, số lô: 040325; ngày sản xuất: 4/3/2025; hạn sử dụng: 4/3/2028) có hàm lượng Sildenafil: 4,21 mg/kg; hàm lượng Tadalafil: 1,18mg/kg.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Man Plus Gold (hộp 30 viên, số lô: 022024; ngày sản xuất: 2/12/2024; hạn sử dụng: 2/12/2027) có hàm lượng Sildenafil: 58,8mg/g; hàm lượng Tadalafil: 15mg/g.
Thực phẩm bổ sung Man Plus (hộp 60 viên, số lô: 102025; ngày sản xuất: 10/2/2025; hạn sử dụng: 10/2/2028) có hàm lượng Sildenafil: 54,3mg/g; hàm lượng Tadalafil: 27,1mg/g.

Đáng chú ý, tất cả các mẫu này đều chứa cả Sildenafil và Tadalafil với hàm lượng rất khác biệt giữa các lô, thậm chí có lô chứa hàm lượng rất cao (lên đến hàng chục mg/g), vượt xa ngưỡng an toàn cho phép.
Bên cạnh Man Plus Gold, cơ quan chức năng còn phát hiện hai lô sản phẩm Đông trùng hạ thảo dạng viên cũng chứa Sildenafil và Tadalafil ở hàm lượng đáng kể (lần lượt là 50,1 mg/g và 25,4 mg/g; 54 mg/g và 27,2 mg/g).

Điều đáng lo ngại hơn là các sản phẩm này không hề có thông tin về đơn vị sản xuất hay nhập khẩu, chỉ được dán nhãn sơ sài là "hàng tặng không bán" hoặc "hàng lưu hành nội bộ". Việc sản phẩm không rõ nguồn gốc nhưng lại chứa dược chất cấm đặt ra vấn đề nghiêm trọng về quản lý thị trường thực phẩm chức năng.
Sildenafil và Tadalafil là thuốc kê đơn, việc tự ý sử dụng chúng thông qua thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt với người có bệnh nền tim mạch, huyết áp hoặc đang dùng các thuốc điều trị khác có chứa nitrat.
Các tác dụng phụ có thể bao gồm đau đầu, chóng mặt, đỏ mặt, giảm thị lực, và thậm chí là các biến cố tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Tình trạng trộn trái phép dược chất vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải mới, cho thấy sự coi thường pháp luật của một số cơ sở.
Người tiêu dùng cần hết sức thận trọng khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm này, nên mua hàng tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép lưu hành và tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các vi phạm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.