Ấn Độ hiện là trung tâm gia công kim cương lớn nhất thế giới, xử lý khoảng 90% tổng sản lượng kim cương được chế tác toàn cầu. Tuy nhiên, ngành này rất nhạy cảm trước các biến động kinh tế, đặc biệt tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ.
Theo Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Đá quý và Trang sức Ấn Độ (GJEPC), kim ngạch xuất khẩu kim cương cắt và đánh bóng, thường chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu đá quý và trang sức, đã giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 13,3 tỷ USD.

Nhân viên kiểm tra và đánh bóng kim cương tại một xưởng ở Surat, Gujarat, Ấn Độ. - Ảnh: Getty Images.
Sự sụt giảm này đã kéo tổng giá trị xuất khẩu đá quý và trang sức của Ấn Độ trong năm tài khóa 2024/25 giảm 11,7%, chỉ đạt 28,5 tỷ USD, mức thấp nhất trong vòng 4 năm, so với 32,28 tỷ USD trong năm tài khóa 2023/24.
Hiệp hội GJEPC cho biết, nhu cầu tiêu thụ kim cương đánh bóng giảm đã khiến các nhà chế tác Ấn Độ cắt giảm 24,3% lượng kim cương thô nhập khẩu trong năm vừa qua, xuống còn 10,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, lượng đá quý và trang sức xuất khẩu của Ấn Độ trong tháng 3 đã ghi nhận mức tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,56 tỷ USD, nhờ các nhà xuất khẩu đẩy mạnh chuyển hàng trước khi Mỹ công bố mức thuế mới.
Ban đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ áp dụng mức thuế lên đến 27% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ kể từ ngày 09/04, nhưng sau đó đã quyết định tạm dừng áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.
Ông Shaunak Parikh, Phó Chủ tịch GJEPC, cho biết, các nhà nhập khẩu từ Mỹ đã tăng cường nhập hàng trong tháng 3 trước khi mức thuế mới có hiệu lực và các doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ cũng đang gấp rút ưu tiên hoàn thành các đơn hàng sang Mỹ nhằm tránh bị áp thêm chi phí.
Một nhà xuất khẩu lớn có trụ sở tại Mumbai cho rằng, xuất khẩu đá quý và trang sức của Ấn Độ khó có thể phục hồi trong năm nay, do các biện pháp thuế quan của Mỹ đã gây biến động mạnh trên thị trường toàn cầu và làm lung lay niềm tin của người mua.