Chỉ số bình đẳng giới của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục

HÀN QUỐC - Chính phủ Hàn Quốc công bố Chỉ số Bình đẳng Giới Quốc gia năm 2023 đạt 65,4 điểm, giảm 0,8 điểm so với năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được khảo sát lần đầu vào năm 2010.

Chỉ số Bình đẳng Giới Quốc gia (KGEI) là một chỉ số do Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc tính toán dựa trên Đạo luật khung về bình đẳng giới, nhằm đo lường mức độ bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, với thang điểm tối đa là 100, tương đương với sự bình đẳng hoàn toàn giữa hai giới.

Năm 2010, chỉ số KGEI đạt 66,1 điểm và tăng đều mỗi năm, đạt mức cao nhất 75,4 điểm trước khi hệ thống đánh giá được điều chỉnh vào năm 2021.

cham soc tre

Nguồn: The Korea Herald.

Theo hệ thống đánh giá mới, chỉ số năm 2021 đạt 65,7 điểm và tăng lên 66,2 vào năm 2022. Năm 2023 là năm đầu tiên ghi nhận chỉ số KGEI sụt giảm so với năm trước, kể cả trong hệ thống cũ lẫn hệ thống mới.

Tuy nhiên, Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình cho rằng, khó có thể so sánh trực tiếp số liệu của năm 2023 với các năm trước, do phương pháp tính toán đã thay đổi hoàn toàn kể từ năm 2022.

Trong các hạng mục được đánh giá, "giáo dục" có chỉ số KGEI cao nhất với 95,6 điểm, tiếp theo là "y tế" với 94,2 điểm. Các hạng mục như "thu nhập", "việc làm" và "nhận thức về bình đẳng giới" lần lượt đạt 79,4; 74,4 và 73,2 điểm.

Hai hạng mục có mức điểm thấp nhất là "chăm sóc", bao gồm lao động gia đình, chăm sóc trẻ nhỏ và người cao tuổi trong gia đình, đạt 32,9 điểm, và "ra quyết định" đạt 32,5 điểm.

Hàn Quốc ghi nhận mức giảm mạnh trong hạng mục "nhận thức về bình đẳng giới", với điểm số giảm 6,8 điểm so với năm 2022. Trong các tiểu mục, định kiến về vai trò giới trong gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm từ 60,1 xuống chỉ còn 43,7 điểm trong vòng một năm.

Giới chức cho biết, rất khó xác định nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự sụt giảm này, do chỉ số được xây dựng dựa trên cảm nhận chủ quan của người được khảo sát.

Họ cũng lưu ý rằng, mức giảm nhẹ trong hạng mục "chăm sóc", từ 33 điểm năm 2022 xuống 32,9 điểm năm 2023, có thể do các cơ sở chăm sóc đóng cửa và các lớp học chuyển sang hình thức trực tuyến trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19, khiến gánh nặng chăm sóc trong gia đình đè nặng lên phụ nữ.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều phụ nữ sử dụng các hệ thống hỗ trợ chăm sóc trẻ em của nhà nước, như nghỉ phép chăm con, cũng là một yếu tố ảnh hưởng.

Về mặt giáo dục, Hàn Quốc được đánh giá đã đạt được tiến bộ đáng kể trong bình đẳng giới.

Dữ liệu từ Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc (KEDI) cho thấy, có 76,9% phụ nữ nước này theo học bậc đại học, vượt qua tỷ lệ 73,1% ở nam giới. Kể từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ phụ nữ có trình độ giáo dục đại học cao hơn nam giới đã duy trì liên tục hàng năm.

Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại rõ nét ở nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ ở Hàn Quốc.

Trong năm 2023, mức chênh lệch này đã lên tới 29,3% so với thu nhập trung bình của nam giới, cao nhất trong số 38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Bình luận