Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chiến lược phát triển xe điện của Malaysia và tham vọng đuổi kịp các cường quốc

VOH - Dưới sự chỉ đạo của chính phủ, ngành công nghiệp ô tô của Malaysia đang trải qua đợt cải tổ mạnh mẽ.

Hai tập đoàn lớn bậc nhất kiểm soát hơn một nửa thị trường, sẽ sáp nhập lại. Mục đích chiến lược này, nhằm bắt kịp sự chuyển đổi sang xe điện ở phần còn lại của thế giới.

Theo thỏa thuận công bố cuối tháng 8/2023, tập đoàn Sime Darby sẽ mua lại 61,2% cổ phần của công ty đầu tư nhà nước Permodalan Nasional trong UMW Holdings, với giá 761 triệu USD. Sime Darby cũng có thể mua nốt số cổ phần còn lại.

Xe điện do hãng Perodua của Malaysia sản xuất - Ảnh: Perodua
Xe điện do hãng Perodua của Malaysia sản xuất - Ảnh: Perodua

Ông Jeffri Salim Davidson, giám đốc điều hành tập đoàn Sime Darby nói: “Đây là chiến lược của chính phủ, nhằm mở rộng và tăng cường hơn nữa sự hiện diện của chúng tôi trong lĩnh vực ô tô ở Malaysia. Thỏa thuận này sẽ củng cố vị thế của Sime Darby, với tư cách là nhà sản xuất hàng đầu.”

Một quan chức Malaysia nhấn mạnh, quan điểm của chính phủ là cần cải cách mạnh mẽ, để ngành công nghiệp ô tô nội địa có thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Ông dẫn chứng năm 2022, Thái Lan sản xuất 1,88 triệu xe, Indonesia sản xuất 1,47 triệu xe, trong khi Malaysia chưa đến 800.000 xe. Nếu không tăng tốc, Malaysia sẽ ngày càng bị các nước láng giềng bỏ lại.

Sime Darby từ năm 2017 đã giảm kinh doanh bất động sản và chuyển hướng sang lĩnh vực khác như ô tô, máy móc hạng nặng và chăm sóc sức khỏe. Công ty đang bán xe của các thương hiệu nước ngoài như BMW hay Land Rover, đồng thời liên doanh sản xuất với Mazda Motor và Hyundai Motor.

Trong những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi sang xe điện gia tăng mạnh mẽ. Sime Darby bắt đầu bán xe điện của BYD vào năm 2022. Tháng 5/2023, hãng công bố hợp tác với một công ty xe điện khác từ Trung Quốc, là Chery Automobile, và dự kiến bắt đầu sản xuất tại Malaysia vào cuối năm 2023.

Với UMW Holdings, ô tô là cốt lõi torng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập đoàn này sở hữu 51% UMW Toyota Motor, chi nhánh sản xuất của Toyota ở Malaysia. UMW cũng nắm giữ 38% cổ phần hãng xe nội địa Perodua. Perodua và Toyota lần lượt xếp thứ nhất và thứ 3 về doanh số bán xe ở Malaysia trong nửa đầu năm 2023.

Đại diện của Sime Darby nói với Nikkei Asia: “Khi sở hữu Toyota và Perodua, chúng tôi sẽ đa dạng hóa phân khúc thị trường, chiếm ưu thế ở loại xe hạng sang cũng như tăng cường năng lực bán lẻ. Việc hợp nhất ở khâu hậu cần sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí và nâng cao sức mạnh cạnh tranh rất nhiều.”

Theo một quan chức chính phủ Malaysia, việc sáp nhập này phù hợp với kế hoạch tổng thể về công nghiệp đến năm 2030 của quốc gia, trong đó ngành ô tô bao gồm cả xe điện, phải đứng vị trí hàng đầu Đông Nam Á. Để đạt tới mục tiêu trên, chính phủ sẽ có những bước đi cụ thể, như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, và tạo điều kiện cho các công ty phụ trợ phát triển, nhằm củng cố hệ sinh thái sản xuất xe hơi. Bên cạnh đó, chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ thủ tục xuất nhập cảnh, để các chuyên gia nước ngoài dễ dàng tới Malaysia làm việc.

Trong vòng một năm tính đến tháng 6/2023, Sime Darby và UMW có tổng doanh số bán xe cả nội địa lẫn quốc tế là 13 tỷ USD. Việc hợp nhất dự kiến sẽ mang lại nhiều nguồn lực hơn để phát triển những mẫu xe mới, cũng như mở rộng xuất khẩu ra bên ngoài.

Trong khi nhiều nước Đông Nam Á chú trọng thu hút những hãng ô tô lớn từ Nhật Bản, châu Âu và Mỹ, thì Malaysia từ lâu có chiến lược xây dựng các hãng nội địa. Năm 1983, Thủ tướng Mahathir Mohamad thúc đẩy sự thành lập Proton – nhà sản xuất ô tô địa phương đầu tiên. Tiếp theo là Perodua ra đời năm 1993.

Malaysia cũng có chính sách ưu đãi ô tô nội, với nhiều lợi thế về thuế so với hàng nhập khẩu. Hiện nay, Proton và Perodua chiếm khoảng 60% thị phần ở quốc gia Đông Nam Á, nhưng bị đánh giá chậm cải tiến về công nghệ so với các công ty nước ngoài, nên sản phẩm hiện diện rất ít tại nước khác.

Điểm yếu về công nghệ dễ nhận thấy nhất là điện khí hóa và chậm chuyển đổi. Perodua tung ra mẫu xe hybrid vừa chạy xăng vừa chạy điện đầu tiên năm 2022. Proton thì cuối năm 2023 này. Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia đã thu hút nhiều nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc và Hàn Quốc từ mấy năm về trước. VinFast của Việt Nam cũng bắt đầu tự sản xuất xe điện và dần có chỗ đứng trên thị trường.

Kế hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp đến năm 2030, đã được Chính phủ Malaysia công bố vào ngày 1/9. Theo đó, tốc độ tăng trưởng mỗi năm của lĩnh vực công nghiệp phấn đấu là 6,5%, trong đó xe điện đóng vai trò trung tâm. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu xe điện và xe hybrid sẽ chiếm 15% tổng số bán ra vào năm 2030. Năm 2022, chỉ có 2.600 xe điện và xe hybrid được bán ở Malaysia, trong số 720.000 ô tô xuất xưởng.

Hãng Proton không nằm trong kế hoạch tái tổ chức ngành xe hơi của chính phủ, đang tự nỗ lực phát triển xe điện khi hợp tác với một số công ty nước ngoài.

Ông Hirotaka Uchida, đối tác của công ty tư vấn Mỹ Arthur D. Little nói: “Việc phát triển và sản xuất ô tô ở Malaysia, phần lớn vẫn phụ thuộc vào các hãng như Toyota. Chính sách hợp nhất này, có thể không ảnh hưởng nhiều đến thị phần trong thời gian trước mắt, nhưng nó giúp công ty mới giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng năng lực cạnh tranh.”

Đại diện của Toyota chi nhánh Malaysia cũng xác nhận, việc bị Sime Darby mua lại, sẽ không tác động trực tiếp và ngay lập tức đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên sản xuất xe điện sẽ nhiều hơn đáng kể trong thời gian tới. Điều này cũng phù hợp với xu thế chuyển đổi chung của khu vực lẫn thế giới.

Bình luận