Máy bay và động cơ mà người mua Mỹ đặt hàng trước nhiều năm và sự nhầm lẫn về thuế quan có nguy cơ làm chậm trễ việc vận chuyển, ngay cả khi ngành công nghiệp này không phải là mục tiêu trực tiếp chịu thuế, các nguồn tin cho biết với Reuters.
Những thay đổi thường xuyên và chi phí gia tăng đang gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt phụ tùng và nhân công.
Tại Montreal (Canada), công nhân tại Airbus đã lắp ráp máy bay phản lực A220 trong vài tháng qua. Khi chính sách thuế quan thay đổi, không rõ liệu máy bay được chuyển đến khách hàng dự kiến là Delta Air Lines có phải đóng thêm mức thuế 25% hay không.

Bối cảnh thay đổi nhanh chóng khiến Delta có thể nhận được máy bay 130 chỗ ngồi mà không phải chịu thuế quan, hoặc có thể phải chịu thuế đối với các bộ phận được sản xuất bên ngoài nước Mỹ.
Theo công ty phân tích hàng không Cirium, máy bay dự kiến sẽ được giao vào tháng 6. Delta và Airbus từ chối bình luận về việc liệu máy bay A220 có phải chịu thuế hay không.
Thuế quan hiếm khi là vấn đề đối với ngành hàng không vũ trụ. Ngoại trừ cuộc chiến thuế quan xuyên Đại Tây Dương kéo dài 18 tháng đối với Airbus và Boeing vào năm 2020 và 2021, ngành này đã hoạt động theo hiệp ước năm 1979 đảm bảo giao dịch miễn thuế bao gồm Mỹ và Canada, nhưng không bao gồm Mexico.
Nhưng việc Tổng thống Donald Trump thường xuyên thay đổi thuế quan trong quá trình lắp ráp máy bay A220 cho thấy, chiến lược của ông gây ra rủi ro cho cả các nhà sản xuất máy bay và các hãng hàng không.
Vào đầu tháng 2, ông Trump dọa áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico. Mức thuế này sẽ làm tăng đáng kể chi phí cho Delta – tính trên một chiếc máy bay trị giá khoảng 40,5 triệu đô la, theo dữ liệu giao hàng của Cirium từ năm 2024.
Ngay trước khi mức thuế đó có hiệu lực, ông Trump đình chỉ thuế trong 30 ngày, và sau đó nói rằng hàng hóa tuân thủ Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada do ông Trump đàm phán sẽ được miễn thuế.
Điều đó buộc các công ty hàng không vũ trụ Canada phải vội vã sắp xếp giấy tờ mà trước đây họ không cần.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, chiếc máy bay này được cho là tuân thủ thỏa thuận năm 2020 và do đó được miễn thuế. Bombardier của Canada cho biết, máy bay phản lực của họ tuân thủ quy định và đã được giao cho khách hàng Mỹ mà không phải chịu thuế, một nguồn tin nói với Reuters.
Nhưng sự nhầm lẫn lớn đến mức tại một cuộc họp gần đây của nhà máy, Airbus nói với công nhân rằng, tình hình thuế quan rất phức tạp và liên tục thay đổi.
Thuế quan cũng có thể dẫn đến các cuộc đàm phán căng thẳng giữa các nhà sản xuất và hãng hàng không về việc ai sẽ trả tiền thuế.
Delta cho biết, họ sẽ hoãn giao hàng thay vì trả thuế quan vì họ cố gắng kiểm soát chi phí trước nhu cầu đi lại chậm lại.
"Một điều mà bạn cần biết là chúng tôi rất rõ ràng sẽ không trả thuế cho bất kỳ đơn hàng máy bay nào", CEO Ed Bastian nói với các nhà phân tích.
"Chúng tôi đã nói rõ với Airbus về điều đó và chúng tôi sẽ giải quyết và xem điều gì sẽ xảy ra" – ông cho biết.
Tính đến cuối năm 2024, Delta ước tính sẽ nhận được 43 máy bay từ Airbus. Một số máy bay đó dự kiến sẽ đến từ các dây chuyền sản xuất bên ngoài nước Mỹ.
Vào tháng 2, Tổng giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury cảnh báo rằng, công ty có thể ưu tiên giao hàng cho những khách hàng không phải người Mỹ nếu thuế quan làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu.
Sự nhầm lẫn về thuế quan đã làm náo loạn ngành công nghiệp. Hai giám đốc điều hành cấp cao của ngành cho biết việc vận chuyển động cơ từ một trong những đơn vị tại Canada đến khách hàng Mỹ đã bị trì hoãn tạm thời vì công ty đang chuẩn bị giấy tờ để chứng minh việc tuân thủ USMCA.
Bastian cho biết, chính sách của Trump đã gây ra "sự bất ổn chưa từng có" khiến nhu cầu đi lại cũng bị đình trệ, đồng thời cảnh báo nền kinh tế sẽ mất đà cho đến khi sự bất ổn do thuế quan gây ra được giải quyết.