Ngay khi bảng áp thuế đối ứng được công bố, nhiều chuyên gia tài chính đã 'đoán già đoán non' về nguồn gốc các con số xuất hiện trong bảng tính thuế đối ứng của ông Trump, và nhận định rằng ‘chúng dựa trên thâm hụt thương mại’.
Bảng này gồm ba cột: tên quốc gia, mức thuế quốc gia đó đánh vào Mỹ, bao gồm thao túng tiền tệ và các rào cản thương mại, và mức thuế đối ứng Mỹ sẽ áp trở lại.
Sau nhiều suy đoán, tờ New York Times nhận thấy, các con số "rào cản thương mại" trong bảng có điểm chung là kết quả từ việc lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với một nước chia cho kim ngạch xuất khẩu của nước đó vào Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về thuế quan tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 2/4 - Ảnh: Reuters
Phân tích trên cho thấy Nhà Trắng, đã chọn cách xác định thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại, thay vì mức thuế quan mà các nước áp lên hàng hóa Mỹ như nhiều suy đoán ban đầu.
Blogger chuyên về tài chính Geiger Capital lấy ví dụ, khi chia thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam (123,5 tỷ USD) với kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ (136,6 tỷ USD) được đáp án xấp xỉ 90%. Đây cũng là giá trị gần gấp đôi mức thuế đối ứng Việt Nam phải chịu.
Trong khi đó, một chuyên gia phỏng đoán rằng, các quốc gia chỉ bị áp thuế 10% mà không bị thuế đối ứng là những nước mà Mỹ xuất siêu hoặc có tỷ lệ thâm hụt thương mại/kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ dưới 10%.

Công thức chính thức từ Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ
Trong cuộc trao đổi với báo chí, các quan chức Nhà Trắng cho biết, mức thuế đối ứng mới do Hội đồng Cố vấn kinh tế Mỹ tính toán dựa trên các phương pháp đã được công nhận rộng rãi. Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cũng công khai phương pháp tính thuế trên trang web chính thức của mình.
Theo đó, thuế đối ứng được tính dựa trên mức thuế cần thiết để cân bằng thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và từng đối tác thương mại.
Phép tính này giả định rằng, tình trạng thâm hụt thương mại lâu nay là do sự kết hợp của các yếu tố thuế quan và phi thuế quan, khiến thương mại không đạt đến trạng thái cân bằng. Thuế quan có tác dụng trực tiếp làm giảm nhập khẩu.
Mức thuế đối ứng dao động từ 0% đến 99%, với mức trung bình không trọng số là 20% và mức trung bình có trọng số theo nhập khẩu là 41%. Mỹ đang tính toán mức thuế đối ứng sao cho có thể đưa thâm hụt thương mại song phương về 0.
Về phương pháp tính: Giả sử Mỹ áp dụng mức thuế suất τᵢ đối với nước i, và Δτᵢ phản ánh mức thay đổi thuế quan. Gọi ε < 0 là độ co giãn của nhập khẩu theo giá nhập khẩu, φ > 0 là mức độ chuyển tiếp từ thuế quan sang giá nhập khẩu, mᵢ > 0 là tổng nhập khẩu từ nước i, và xᵢ > 0 là tổng xuất khẩu. Khi đó, mức giảm nhập khẩu do thay đổi thuế quan là ∆τ_i*ε*φ*m_i<0.
Giả định rằng ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái và cân bằng tổng thể là không đáng kể, mức thuế đối ứng có thể được xác định bằng cách giải phương trình đảm bảo cán cân thương mại song phương bằng 0.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết đã sử dụng dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu từ Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2024 để tính thuế đối ứng. Các tham số ε và φ được lựa chọn dựa trên nghiên cứu trước đó.
Độ co giãn của cầu nhập khẩu, ε, được đặt là 4.
Bằng chứng gần đây cho thấy giá trị này dao động quanh mức 2 trong dài hạn. Một số nghiên cứu khác cho rằng ε có thể cao hơn, từ 3-4.
Độ co giãn giá nhập khẩu theo thuế quan, φ, là 0,25.
Các dữ liệu gần đây về thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc cho thấy mức chuyển tiếp thuế quan vào giá bán lẻ khá thấp.
Tóm lại là, công thức được công bố khá phức tạp và đòi hỏi hiểu biết về kinh tế vĩ mô, nhưng cơ bản cũng xoay quanh tỷ lệ giữa thâm hụt thương mại và kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ của quốc gia bị đánh thuế.