Các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp hiện tại có thể đe dọa nền kinh tế Mỹ và đi ngược lại các giá trị cốt lõi của quốc gia này.
Tuyên bố mang tên "Lời kêu gọi bác bỏ những chính sách thuế quan có hại" được công bố ngày 18-4 trên trang anti-tariff.org, ban đầu do nhóm học giả gồm Vernon Smith (Nobel 2022), James Heckman (Nobel 2000) và cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Phil Gramm khởi xướng.
Đến sáng 22/4 (giờ Việt Nam), hơn 1.370 chuyên gia kinh tế, giảng viên đại học, lãnh đạo viện nghiên cứu và chính khách đã ký tên ủng hộ.
Trong tuyên bố, các học giả khẳng định: “Thuế quan không phải là giải pháp. Thay vào đó, chúng đi ngược lại tinh thần khởi nghiệp và trao đổi tự do từng làm nên sự thịnh vượng của nước Mỹ trong suốt 250 năm qua.”
Các chuyên gia cho rằng chính sách thuế quan hiện tại dựa trên hiểu lầm cơ bản về thâm hụt thương mại.
Theo họ, thâm hụt không phản ánh sự yếu kém hay bất công, mà thực ra là kết quả từ niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu vào nền kinh tế Mỹ.
“Chính các khoản đầu tư từ nước ngoài đã giúp duy trì sức mạnh của đồng USD và cho phép Mỹ nhập siêu — điều không nên bị coi là vấn đề cần ‘sửa chữa bằng thuế quan’.”
Tuyên bố cũng cảnh báo rằng nếu tiếp tục duy trì chính sách hiện tại, hậu quả sẽ là giá cả leo thang, sức mua suy giảm và nguy cơ suy thoái – đúng như cách mà họ gọi là một “cú bắn vào chân”.
Mặc dù tuyên bố này cho thấy sự đồng thuận hiếm hoi trong giới học thuật, giới phân tích nhận định khả năng ông Trump thay đổi lập trường là rất thấp.
Tổng thống Mỹ từ lâu đã thể hiện lập trường ủng hộ thuế quan một cách rõ rệt, từng phát biểu năm 1989 rằng “Chúng ta là một quốc gia mắc nợ, vì vậy phải đánh thuế để bảo vệ đất nước này.”
Hơn nữa, nội các hiện tại của ông Trump cũng bao gồm những nhân vật nổi bật có chung tư tưởng "chống thương mại tự do", như cố vấn Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick – cả hai đều là những người ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp thuế quan và đã tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo các sắc lệnh liên quan.
Chính sách thuế quan của Mỹ cũng đang gây căng thẳng trên trường quốc tế.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 21/4 đã lên tiếng chỉ trích Washington, cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ và có đi có lại nếu bị ép buộc phải hạn chế thương mại với Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ ký kết các thỏa thuận bất lợi với Trung Quốc.
Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra sau khi Bloomberg tiết lộ chính quyền Trump đang lên kế hoạch ép các đối tác thương mại của Mỹ cắt quan hệ với Trung Quốc, kể cả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính.
Tuyên ngôn của hơn 1.300 chuyên gia kinh tế không chỉ là một tín hiệu cảnh báo nội bộ, mà còn thể hiện mối lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng Mỹ tự cô lập mình trong nền kinh tế toàn cầu hóa – điều có thể gây hậu quả dài hạn vượt xa nhiệm kỳ tổng thống hiện tại.