Khoảng 1.200 người trong tổng số 55.000 dân đang đứng trước nguy cơ mất nhà cửa khi mặt đất tiếp tục sụt lún.
Theo sắc lệnh khẩn cấp được chính quyền thành phố ban hành đầu tháng 2, trong vài tháng qua, các hố sụt đã mở rộng nhanh chóng, tiến gần hơn đến khu dân cư.
Một số tòa nhà cũng đã bị phá hủy do sụt lún, theo sắc lệnh.
Hiện tượng này không phải mới mà đã kéo dài suốt 30 năm qua tại thành phố Buriticupu, bang Maranhao.

Thành phố Buriticupu đã được tuyên bố trong tình trạng thảm họa công cộng do các hố sụt đe dọa cộng đồng, ngày 20/02/2025. - Ảnh: Reuters.
Các cơn mưa lớn làm lớp đất nơi đây, vốn chủ yếu là cát, bị xói mòn, cộng với tình trạng xây dựng thiếu quy hoạch và nạn phá rừng, khiến nền đất ngày càng yếu, đẩy khu vực này vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng.
Tình trạng sạt lở đất quy mô lớn tại Buriticupu được gọi là “voçoroca”, thuật ngữ có nguồn gốc từ ngôn ngữ bản địa Brazil, mang ý nghĩa “xé toạc mặt đất” và tương đương với hố sụt.
Theo ông Marcelino Farias, nhà địa lý học và giáo sư tại Đại học Liên bang Maranhao, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn trong các giai đoạn mưa lớn, như thời điểm hiện tại.
Bà Antonia dos Anjos, cư dân tại Buriticupu trong 22 năm qua, lo ngại các hố sụt sẽ tiếp tục xuất hiện.
Bà Anjos chia sẻ: “Mối nguy hiểm ngay trước mắt chúng tôi, nhưng chẳng ai biết những hố sâu này đang âm thầm mở rộng ra sao bên dưới lòng đất”.
Ông Lucas Conceicao, kỹ sư kiêm Bộ trưởng Bộ Công chính Buriticupu, cho biết, chính quyền địa phương không có đủ nguồn lực để xử lý tình trạng sụt lún phức tạp này. Vấn đề không chỉ nằm ở quá trình xói mòn mà còn là việc di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm.