Động thái này làm dấy lên lo ngại về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không tham dự Hội nghị lần thứ 30 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) tại Brazil vào tháng 11 tới.
Trong tuyên bố ngày 25-4, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận việc đóng cửa Văn phòng Biến đổi Toàn cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ sẽ không tham gia vào các thỏa thuận và sáng kiến quốc tế nếu những thỏa thuận đó không phản ánh các giá trị quốc gia. Vì vậy, cơ quan từng hỗ trợ các chính quyền tiền nhiệm trong việc thúc đẩy Mỹ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận hạn chế biến đổi khí hậu, đã được cho là không còn cần thiết.

Giới phân tích nhận định, quyết định này không gây bất ngờ khi Tổng thống Trump lâu nay vốn hoài nghi về các nỗ lực toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu. Ngay sau khi trở lại Nhà Trắng ngày 20-1, ông đã tiến hành các bước đi để Mỹ lần thứ hai rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, việc Mỹ có thể vắng mặt hoàn toàn tại COP30 ở thành phố Belem, Brazil được đánh giá là sự thay đổi lớn trong cục diện ngoại giao khí hậu toàn cầu. Ngay cả khi Washington vẫn cử một số đại diện tới dự các cuộc đàm phán, sự thay đổi lập trường rõ rệt so với chính sách trong 4 năm qua cũng sẽ gây nhiều ảnh hưởng.
Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, biến đổi khí hậu từng được nâng tầm thành một trọng tâm chính sách lớn của chính quyền. Ông Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm Đặc phái viên về khí hậu với vị trí thành viên Nội các. Đặc phái viên này đã hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc – quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới – trong hội nghị COP28 tổ chức năm 2023 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất – UAE), nhằm thúc đẩy tuyên bố lịch sử về việc toàn cầu cần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Sự thay đổi hiện tại cho thấy chính sách khí hậu của Mỹ đang đảo chiều mạnh mẽ so với giai đoạn trước, khi các thỏa thuận quốc tế từng đóng vai trò trung tâm trong chiến lược ngoại giao về môi trường của Washington.
Theo các chuyên gia, sự vắng mặt hoặc lập trường mới của Mỹ tại COP30 sẽ làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu trong việc đạt được những cam kết cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn, vốn được kỳ vọng sẽ được đặt ra trong kỳ họp năm nay.
Tương lai của các sáng kiến chống biến đổi khí hậu do Mỹ khởi xướng trong những năm gần đây cũng đang bị đặt dấu hỏi, trong bối cảnh chính quyền mới điều chỉnh hướng đi đối với các vấn đề quốc tế.