Nga tuyên bố tấn công chỉ huy điểm của Ukraine tại Sumy, hơn 60 binh sĩ thiệt mạng

VOH - Cuộc không kích mới nhất của Nga vào thành phố Sumy đã gây thương vong lớn, làm dấy lên lo ngại về mức độ leo thang của cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào thành phố Sumy, miền Bắc Ukraine.

Mục tiêu được xác định là cuộc họp của ban chỉ huy nhóm tác chiến - chiến thuật Seversk của Ukraine. Phía Nga tuyên bố hơn 60 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong đợt tấn công diễn ra hôm 13/4.

Cuộc tấn công sử dụng hai tên lửa Iskander-M tầm ngắn, bất chấp các nỗ lực phản công điện tử và hệ thống phòng không của Ukraine, trong đó có các thiết bị do phương Tây cung cấp.

Bất chấp tuyên bố nhắm vào mục tiêu quân sự, Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Ukraine cho biết cuộc không kích đã khiến ít nhất 34 người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em, và 117 người khác bị thương.

Ukraine gọi đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất tại Sumy kể từ đầu chiến sự.

Sau vụ việc, Thị trưởng thành phố Konotop – ông Artyom Semenikhin – đã công khai chỉ trích lãnh đạo quân sự khu vực Vladimir Artyukh vì tổ chức cuộc họp quân sự tại một khu vực đông dân cư, vốn sau đó trở thành mục tiêu bị tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Kiev "tiếp tục sử dụng dân thường làm lá chắn sống", bằng cách đặt các cơ sở quân sự và tổ chức họp tại trung tâm thành phố.

Sumy, một thành phố có hơn 250.000 dân, chỉ cách biên giới Nga 25km, đã liên tục hứng chịu các cuộc tấn công kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.

Xung dot Ukraine

Trong thời gian gần đây, khu vực này trở thành điểm nóng giao tranh, đặc biệt sau khi Nga kiểm soát trở lại nhiều vị trí chiến lược gần tỉnh Kursk.

Phản ứng trước vụ việc, ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng cuộc tấn công vào Sumy đã "vượt ranh giới", đồng thời nhấn mạnh Washington vẫn cam kết theo đuổi các giải pháp ngoại giao nhằm kết thúc chiến sự.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc, gọi đây là "lời nhắc đau lòng" về sự cần thiết của một nền hòa bình công bằng và bền vững.

Trong khi Ukraine đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất ngừng bắn toàn diện do Mỹ đưa ra, phía Nga vẫn giữ lập trường cứng rắn, khiến nỗ lực ngoại giao tiếp tục rơi vào bế tắc.

Nhiều lãnh đạo châu Âu chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố tình trì hoãn tiến trình hòa bình và làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực.

Bình luận