Phát biểu từ Phòng Bầu Dục, ông Trump thừa nhận các nhà sản xuất xe hơi “cần thêm thời gian” để chuyển dần hoạt động sản xuất từ Canada, Mexico và các quốc gia khác về Mỹ.
Hiện nay, chuỗi cung ứng trong ngành ô tô mang tính liên kết toàn cầu sâu rộng, khiến việc sản xuất hoàn toàn trong nội địa gần như không khả thi.
Theo giới chuyên gia, phần lớn linh kiện và bộ phận xe hơi tại Mỹ hiện được nhập khẩu từ các đối tác thương mại chủ chốt như Canada, Mexico và Trung Quốc. Không có mẫu xe nào được lắp ráp hoàn toàn tại Mỹ vào thời điểm hiện tại.
Mức thuế quan 25% do ông Trump đề xuất nhằm kích thích hoạt động sản xuất nội địa đã gây xáo trộn mạnh trên thị trường tài chính, khiến nhiều nhà kinh tế nâng mức cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ trong năm nay.

Theo Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, nếu thuế được áp dụng đầy đủ, giá xe hơi có thể tăng từ 5.000 - 10.000 USD mỗi chiếc tạo áp lực lớn lên người tiêu dùng Mỹ.
Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục duy trì thuế với một số ngành khác. Dù đã công bố miễn trừ tạm thời cho các sản phẩm công nghệ cao như smartphone, chip bán dẫn, máy tính, ông Trump cho biết kế hoạch áp thuế trở lại vẫn được giữ nguyên, có thể bao gồm cả ngành công nghiệp vi mạch trong thời gian tới.
Sau khi nhậm chức vào đầu năm nay, Tổng thống Trump bắt đầu hiện thực hóa các cam kết về chương trình thuế quan đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Ông tuyên bố, Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ sản phẩm nhôm, thép, cũng như với các sản phẩm ô tô. Ông cam kết nỗ lực này giúp thúc đẩy sản xuất và mang nhiều việc làm về Mỹ.
Đầu tháng này, ông Trump tiếp tục thông báo chính sách thuế đối ứng. Trong khi áp thuế 10% đối với phần lớn đối tác thương mại từ ngày 5/4, Mỹ sẽ áp thuế cao hơn đối với hàng chục đối tác khác, từ ngày 9/4.
Vài giờ sau khi thuế đối ứng có hiệu lực ngày 9/4, tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố hoãn áp dụng 90 ngày để các nước, vùng lãnh thổ có thêm thời gian đàm phán thương mại với Mỹ.