Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thuế của ông Trump với hàng Trung Quốc sẽ khiến Apple gặp khó?

VOH - Sau khi ông Trump giành chiến thắng, vấn đề lớn thu hút sự chú ý của dư luận, là vị cựu Tổng thống có thực hiện chính sách thuế như đã công bố hay không?

Suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết áp thuế 10% - 20% với mọi hàng hóa nhập khẩu. Riêng hàng từ Trung Quốc là 60%.

Cựu đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, người phục vụ trong nhiệm kỳ trước của ông Trump nói rằng, thuế mới sẽ được lên kế hoạch ngay khi chính quyền nhậm chức.

c_us_china_
Mỹ và Trung Quốc được dự đoán sẽ đối đầu thương mại quyết liệt hơn trong thời gian tới - Ảnh: FT

Ông Trump từng gọi thuế quan là khái niệm mĩ miều nhất trong từ điển. Năm 2018, ông bắt đầu tăng thuế với hàng Trung Quốc, mở màn chiến tranh thương mại giữa 2 siêu cường. Hoa Kỳ áp thuế 25% với gần 60% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Lý do đất nước tỉ dân có chính sách thương mại không công bằng, gây tổn hại cho kinh tế Hoa Kỳ.

Theo ông Trump, thuế quan với sản phẩm nhập khẩu, được trả bởi nhà sản xuất nước ngoài. Vì vậy, đó là thỏa thuận tốt. Thuế với hàng nhập khẩu, có thể phần nào bù đắp việc giảm thuế doanh nghiệp mà ông luôn cổ vũ. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, lập luận trên có phần chưa chính xác.

Khi nhà nhập khẩu nộp tới 60% thuế, họ buộc phải tăng giá sản phẩm, người tiêu dùng Mỹ là đối tượng gánh chịu đầu tiên. Nhà nhập khẩu khả năng cao sẽ đàm phán với bên cung cấp để hạ giá, nhưng nếu doanh nghiệp Trung Quốc gặp sự cạnh tranh gay gắt, giá của họ đã gần ngưỡng tiêu chuẩn, thì việc giảm thêm nữa cũng không dễ dàng. Viễn cảnh khả dĩ, là hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ sẽ ít đi.

Hiện nay, nhiều sản phẩm từ Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ, được sản xuất bởi công ty Hoa Kỳ hoặc công ty Trung Quốc hợp tác với công ty Hoa Kỳ. Ví dụ máy tính HP và iPhone của Apple. iPhone được sản xuất hoặc lắp ráp tại Trung Quốc, với rất nhiều nhà cung cấp linh kiện địa phương. Trường hợp này, Apple gánh chịu thuế, chứ không phải doanh nghiệp Trung Quốc.

Những năm qua, Apple đã chuyển một số hoạt động lắp ráp sang Ấn Độ hoặc Việt Nam, nhưng 90% sản phẩm vẫn được xuất xưởng ở Trung Quốc.

Khi iPhone, iMac, iPad hoặc iWatch từ Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ, mức thuế 60% được dự báo sẽ làm giảm tính cạnh tranh, suy yếu vị thế của Apple ở Trung Quốc, Hoa Kỳ lẫn trên toàn cầu. Apple có thể phải định tuyến lại thị trường, nhưng hiện khó có nơi nào thay thế được Hoa Kỳ.

Theo một số thống kê, doanh số bán thiết bị phần cứng của Apple tại Hoa Kỳ dự đoán khoảng 125,2 tỷ USD năm 2024. Nếu Apple muốn chia sẻ mức thuế 60%, phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc nhìn giá sản phẩm tăng. Nhiều phân tích chỉ ra, một khi ông Trump áp thuế như đề xuất, sản phẩm của Apple bán tại Mỹ sẽ tăng giá trung bình 37%. Đây là cơ hội để Samsung – đối thủ lớn nhất của “quả táo” trong mảng điện thoại thông minh, vươn lên.

Ông Trump từng giải thích, thuế quan nhằm hướng công ty nước ngoài thành lập nhà máy tại Hoa Kỳ, để người dân có cơ hội việc làm hơn. Tuy nhiên, chuyển lắp ráp sản phẩm của Apple về Mỹ là điều vô cùng khó khăn. Năm 2011, nhà sáng lập Apple Steve Jobs nói với Tổng thống Obama rằng, công việc này sẽ không bao giờ trở lại.

Lý do: Lắp ráp iPhone và sản phẩm khác của Apple cần nhiều lao động. Không thể tìm được hàng triệu lao động Hoa Kỳ chấp nhận mức lương 400 – 500 USD mỗi tháng. Đây là mức tối thiểu ở Trung Quốc. Ngoài ra, người lao động Mỹ không thích làm cuối tuần. Chuyển lắp rắp sang Ấn Độ hoặc ASEAN, cũng tốn nhiều thời gian.

Ấn Độ là nơi lắp ráp khoảng 20 triệu chiếc iPhone năm 2023, có nguồn lao động rẻ hơn Trung Quốc, nhưng tay nghề được so sánh chưa bằng, đặc biệt là không có chuỗi cung ứng tại chỗ như nền kinh tế số 2 thế giới. Hiện Trung Quốc có rất nhiều nhà cung cấp linh kiện, sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Apple.

Nhiều ý kiến nhận định, thuế 60% với hàng nhập từ Trung Quốc, là rất hấp dẫn với nhóm cử tri ủng hộ “American first”, nhưng không phải ai cũng hiểu hết tính phức tạp của tình hình. Đó là chưa tính đến khả năng Trung Quốc trả đũa, kinh tế Hoa Kỳ sẽ thêm bất lợi.

Một số tiếng nói chỉ ra, cách tiếp cận như hiện tại của chính quyền Tổng thống Biden, tức áp thuế có chọn lọc với một số mặt hàng nhất định và hạn chế sản phẩm công nghệ tiên tiến bán sang Trung Quốc, là giải pháp khả quan nhất và nên cân nhắc tiếp tục.

Bình luận