Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin bất động sản hôm nay 18/12: Bất động sản liệu có "đói" vốn trong 2020?

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 18/12 có những nội dung: Tổng kiểm tra hơn 100 dự án ven sông Sài Gòn; Chuyển một số dự án bất động sản tại có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

Bất động sản liệu có "đói" vốn trong 2020?

Hiện vẫn có những ý kiến trái chiều về câu chuyện dòng vốn đổ vào bất động sản trong năm 2020 sau động thái có phần "kiểm soát chặt chẽ" hơn tín dụng vào bất động sản của Ngân hàng Nhà nước mới đây.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp – là những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ít nhiều đang sử dụng các nguồn vốn khác nhau cho hoạt động đầu tư kinh doanh của mình lại có những góc nhìn tích cực hơn về dòng tiền vào bất động sản trong năm tới.

Phát biểu tại một diễn đàn về bất động sản cuối tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam nói rằng, trong năm tới bất động sản có nhiều cái lo, có nhiều thách thức, trong đó có khó khăn về nguồn vốn.

Ông Nam lo ngại rằng, doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn trong năm 2020, bởi theo ông, hiện hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt.

Cụ thể: Lãi suất tiếp tục cao (lãi suất huy động lên 8,7%, cộng thêm biên độ 3% thì lãi suất cho vay lên đến 11 - 12%); nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%… khiến cho ngân hàng phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Landora Group Nguyễn Mạnh Hà lại không nghĩ như vậy. Ông Hà cho biết, thông tin ông nắm được hiện nay là các ngân hàng thương mại đang dư dòng tiền, dòng tiền vào khá lớn nhưng lại hết "room" cho vay dài hạn bất động sản.

"Mấy tháng cuối năm nay tôi nhận được thông tin ít nhất từ 2 ngân hàng muốn giải ngân nhanh cho nguồn tiền đang "kẹt". Tháng 11 vừa qua nhiều ngân hàng vẫn đang tìm cách để giải ngân", ông Hà nói.

Cũng theo doanh nhân này, trong năm 2020, mặc dù room tín dụng của các ngân hàng thương mại được kiểm tra khá đầy đủ, nghiêm túc nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp bất động sản lại có thể đối mặt với khó khăn về vốn. Bởi lẽ, rất nhiều doanh nghiệp hiện đang mở rộng các nguồn huy động vốn: trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư bất động sản nước ngoài…

Bên cạnh đó, nguồn tài chính của các nhà đầu tư cá nhân, lượng kiều hối (ước tính lên tới hơn 16 tỷ USD trong 2019), các nguồn tích lũy khác…sẽ là những dòng tiền mạnh cho thị trường bất động sản

Do đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong năm tới, người dân vẫn sẽ hướng đầu tư của mình vào bất động sản, bởi dường như chúng ta đã thoát được lời nguyền 10 năm về suy giảm của bất động sản. Trong khi đó, Việt Nam lại đang hưởng lợi từ những biến động chính trị, kinh tế thế giới. Các tập đoàn nước ngoài đang coi Việt Nam là một trong 10 thị trường triển vọng lớn nhất thế giới trong năm tới.

Đồng quan điểm nêu trên, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Hải Phát Land Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: thị trường 2019 hiện vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều về thị trường. Có ý kiến cho rằng, thị trường vẫn đang phát triển ổn định, có xu hướng đi lên, nhưng cũng có người cho rằng, thị trường đã và đang gặp khó khăn, đặc biệt là trong những tháng cuối 2019.

Tuy nhiên, theo ông Huy,  thị trường bất động sản dù có phát triển tốt hay bức tranh màu tối một chút thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể lạc quan, bởi thị trường hiện nay đã được điều chỉnh so với thời kỳ 2011 – 2012. Chúng ta có những chính sách quản lý, có kinh nghiệm điều hành tốt hơn nên thị trường cũng có sức đề kháng tốt hơn.

Đồng Nai sẽ thu hồi 700 ha đất để làm dự án trong năm 2020

Trong năm 2020, Đồng Nai sẽ tiến hành thu hồi đất tại 145 dự án với tổng diện tích hơn 700 ha. Trong đó, có khoảng 10 dự án có diện tích lớn từ 18-33 ha.

Theo Báo Đồng Nai, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện các dự án về hạ tầng giao thông, thủy lợi, tái định cư cho các dự án.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai dự kiến thu hồi hơn 700 ha đất tại 145 dự án. Phần lớn các dự án cần thu hồi nằm ở địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa.

Cụ thể, huyện Long Thành có ba dự án, bao gồm: Khu tái định cư Long Phước, xã Long Phước (32 ha), khu tái định cư Long Đức (30 ha), đường 25C (21 ha).

Huyện Nhơn Trạch có 4 dự án: Khu dân cư (KDC) qui hoạch xã Long Tân (30 ha); KDC đô thị Lành Mạnh (29 ha); KDC đô thị xã Long Tân (29 ha); KDC đô thị mới Long Tân - Phú Hội (22 ha).

Huyện Vĩnh Cửu có hai dự án: Nạo vét Rạch Đông (33 ha) và KDC Tân An (23 ha). Tại TP Biên Hòa cũng có hai dự án: Đường ven sông Đồng Nai (18 ha) và đường trung tâm TP Biên Hòa (27 ha).

Ngoài ra, ở huyện Tân Phú có một dự án phải thu hồi diện tích đất lớn là Trạm bơm Đắc Lua ở xã Đắc Lua khoảng 27,5 ha.

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã hoàn tất bảng giá đất giai đoạn 2020-2024. Theo đó, giá đất sẽ tăng bình quân từ 30-35%, có nơi cao gấp 18 lần.

Cam kết lợi nhuận "khủng", condotel trên sao Hỏa vẫn có người mua

Tại hội thảo "Pháp lý cho condotel", TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam đã chỉ rõ nguyên nhân thời gian qua liên tiếp xảy ra những khủng hoảng liên quan đến loại hình condotel, đặc biệt là việc chủ đầu tư một dự án condotel có tiếng ở Đà Nẵng chính thức thừa nhận vỡ cam kết lợi nhuận với khách hàng.

Theo TS Lương Hoài Nam, nguyên nhân là ở một số dự án condotel xuất hiện biến tướng từ sản phẩm bất động sản thành sản phẩm tài chính phái sinh, sản phẩm chứng khoán phái sinh. Với cách tiếp cận này, nhà đầu tư thứ cấp sẽ chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không quan tâm đến các yếu tố cơ bản của một tài sản bất động sản như vị trí, tiềm năng phát triển thị trường, chất lượng xây dựng của chủ đầu, giá cả…

"Thực tế người mua hiện nay chỉ chăm chăm quan tâm số phần trăm lợi tức được cam kết là bao nhiêu, biến condotel thành chứng khoán phái sinh hoàn toàn khiến họ không quan tâm giá cả. Nếu lợi nhuận cam kết lên đến 12 - 15%/năm, người ta không quan tâm đến giá cả nữa, vì giá càng cao thì lời càng nhiều. Khi đó, giới thiệu condotel ở mặt trăng hay sao Hỏa thì người ta vẫn mua bán bình thường. Đó là sự biến tướng, biến thái của condotel trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến sự phát triển của loại hình này", ông Nam chỉ rõ.

Tổng kiểm tra hơn 100 dự án ven sông Sài Gòn

Sở Xây dựng TPHCM sẽ kiểm tra 88 dự án nhà ở tiếp giáp sông Sài Gòn và 13 dự án nhà ở có hành lang bảo vệ sông tại 9 quận, huyện.

Nội dung này vừa được Sở Xây dựng TP. HCM thông qua trong Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng hành lang bờ sông Sài Gòn tại các dự án trên địa bàn 9 quận, huyện: Bình Thạnh, Thủ Đức, 1, 2, 4, 7, 12, Củ Chi và Hóc Môn.

Động thái này được thực hiện theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong. Thời gian kiểm tra từ nay đến ngày 3/1/2020. Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ tổng hợp kết quả, báo cáo UBND TP. HCM.

Chuyển một số dự án bất động sản tại có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra

Thanh tra quận 12, TP. HCM vừa công bố kết luận thanh tra số 11517/KL-UBND-TTr ngày 30/9/2019 của Chủ tịch UBND quận 12 về thanh tra công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn phường Thạnh Xuân, quận 12, thời kỳ từ tháng 1/2017 đến tháng 3/2019.

Chủ tịch UBND quận 12 đã phê bình đối với 2 tổ chức, chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với 8 cá nhân thuộc UBND phường Thạnh Xuân và kiến nghị Sở Xây dựng Thành phố kiểm tra, xem xét và làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan đối với các sai phạm được phát hiện qua thanh tra.

UBND quận 12 kiến nghị Sở TN&MT TP. HCM xem xét xử lý vi phạm đối với các công ty đo vẽ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý của sở trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn công nếu có và xử lý đối với các GCN đã cấp.

Ngoài thu hồi số tiền 150 triệu đồng bị thất thoát qua thanh tra, UBND quận 12 chuyển hồ sơ, tài liệu thanh tra về hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm của một số chủ đầu tư đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 12 để giải quyết theo quy định.

Đà Nẵng: Bắt giám đốc công ty bất động sản lừa bán đất nghĩa địa

Ngày 18/12, Công an quận Sơn Trà, Đà Nẵng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối tượng Trương Văn Ba (SN 1982, ngụ tại tỉnh Thừa Thiên Huế, giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản đặt tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thông tin điều tra đầu cho biết, năm 2017, Ba nhận làm thủ tục cấp sổ đỏ một lô đất ở đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho bà H.T.T. (SN 1983, ngụ tại Thừa Thiên Huế) với giá 50 triệu đồng.

Sau đó, Ba lại rao bán lô đất này, lừa lấy 300 triệu đồng tiền đặt cọc mua đất của bà H.T.P. để tiêu xài vào năm 2018, hẹn tháng 1/2019, sẽ giao đất đã đăng ký cấp sổ đỏ và sang tên chính chủ cho bà P.

Chờ lâu không thấy Ba liên lạc trong khi đã giao tiền cọc mua đất cho đối tượng, bà P. đã trình báo công an.

"Nhồi" cao ốc, quên hạ tầng

Bất cứ ai đến Hà Nội, TP. HCM vào thời điểm này cũng rất ngại vì… tắc đường. Không tắc đường sao được khi mà đất dành cho giao thông tại Hà Nội, TP. HCM chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20 - 26% với đô thị trung tâm, 18 - 23% với đô thị vệ tinh, 16 - 20% với các thị trấn. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3 - 4%.

Bức xúc về hạ tầng giao thông dường như vẫn không thấm vào đâu so với căn bệnh trầm kha: Thiếu trường học tại các khu đô thị mới. Theo đó, gần 10 năm nay, Hà Nội có thêm hàng loạt các khu đô thị mới ở cả nội và ngoại thành với hàng trăm nghìn căn hộ. Tuy nhiên điều đáng nói là, chuyện các chủ đầu tư chỉ lo xây nhà bán mà “quên” xây trường học đã trở thành câu chuyện tuy không mới nhưng luôn mang tính thời sự…

Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu được mở rộng lên 1.054,72ha

Theo phê duyệt, sau khi được mở rộng, Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu sẽ có số dân dự kiến khoảng 57.000 người.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu (Phân khu 8) tại phường Tuần Châu, TP.Hạ Long.

Theo đó, phạm vi ranh giới khu vực nghiên cứu quy hoạch tại đảo Tuần Châu và tuyến đường nối quốc lộ 18A với phường Tuần Châu. Diện tích nghiên cứu quy hoạch 1.054,72ha. Dân số khoảng 50.000 - 57.000 người.

Tại quyết định vừa được phê duyệt, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phân cấp cho UBND TP.Hạ Long phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thiết kế đô thị và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch các khu chức năng, các dự án nằm trong ranh giới quy hoạch.

Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực nghiên cứu quy hoạch chi tiết và đầu tư các dự án thành phần, các công trình tạo động lực phát triển cho khu vực….

Theo tìm hiểu, Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch từ năm 1999 với quy mô ban đầu gần 300 ha. Chủ đầu tư của “siêu dự án” này là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (gọi tắt là Công ty Âu Lạc), đứng đầu là ông Đào Hồng Tuyển.

Hải Phòng mời BRG - Sumitomo khảo sát phát triển đô thị sân bay từ Cát Bi về Đồ Sơn

Bí thư Thành ủy Hải Phòng gợi ý Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo nghiên cứu về một số dự án như khu đô thị VSIP, phát triển đô thị sân bay từ khu vực sân bay Cát Bi về hướng quận Dương Kinh, Đồ Sơn, một số dịch vụ logistics liên quan đến cảng Hải Phòng…

UBND TP Hải Phòng vừa có buổi làm việc với Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) về việc nghiên cứu địa điểm đầu tư một số dự án trên địa bàn thành phố.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho biết, Hải Phòng là địa phương phát triển mạnh mẽ, đã có nhiều Tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư tại thành phố. Bên cạnh đó, Hải Phòng là một trong những trung tâm thương mại, du lịch; một trong những thành phố công nghiệp, cảng biển lớn nhất miền Bắc từ trước đến nay.

Ngoài ra, theo ông Thành, tất cả sự phát triển về hạ tầng giao thông, đô thị, thương mại, dịch vụ, công nghiệp là cần thiết; thành phố sẽ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, còn về phát triển như đô thị, khách sạn, hạ tầng xã hội… sẽ kêu gọi các doanh nghiêp đầu tư.

"Vì vậy, việc kêu gọi các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Sumitomo là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố", ông Thành nói.

Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Văn Thành đã gợi ý Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo nghiên cứu về một số dự án như khu đô thị VSIP, phát triển đô thị sân bay từ khu vực sân bay Cát Bi về hướng quận Dương Kinh, Đồ Sơn, một số dịch vụ logistics liên quan đến cảng Hải Phòng…

Bình Thuận: 1.600 tỷ đồng nâng cấp hai tuyến đường ven biển

Dự án nâng cấp đường ĐT.719 đoạn Kê Gà (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) - Tân Thiện (TX. La Gi) và dự án làm mới trục đường ven biển ĐT719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà có tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Được biết, sau khi được nâng cấp, tuyến đường ĐT719 có tổng chiều dài gần 33 km; chiều rộng nền đường 9 m, chiều rộng mặt đường 8 m, lề đường mỗi bên 0,5 m. Riêng các đoạn đi qua trung tâm xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam), xã Tân Tiến, Tân Bình (thị xã La Gi) có chiều rộng nền đường 15 m, chiều rộng mặt đường 12 m; đoạn  trùng với đường Nguyễn Công Trứ chiều rộng nền đường 20 m, chiều rộng mặt đường 12 m. Trên tuyến xây mới cây cầu tại Km50+284,76 dài 12,8 m, rộng 9 m. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 600 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh.

Dự án làm mới tuyến đường ĐT.719B dài gần 25 km. Chiều rộng nền đường 28 m, mặt đường 16 m, dải phân cách giữa 11 m; kết cấu đường bằng bê tông nhựa nóng dày. Với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Dự kiến cả hai dự ná này được hoàn thành năm 2022. Đây là trục giao thông quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch và bất động sản khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận.

Novaland là nhà phát triển bất động sản tốt bậc nhất Đông Nam Á-Tại Lễ trao giải Bất động sản Dot Property Southeast Awards 2019 lần thứ 04, Tập đoàn Novaland đã được xướng tên tại hạng mục Developer of the Year 2019.
Novaland Expo gây ấn tượng mạnh với khách hàng, nhà đầu tư- Chiều ngày 8/12, Novaland Expo đã chính thức khép lại chuỗi hoạt động 5 ngày sôi nổi, thu hút được gần 20.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm.
Bình luận