Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ra quyết định dựa trên dữ liệu: Chìa khóa của Chuyển đổi số

(VOH) Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ và kỹ thuật, mà trước hết phải là nhận thức, quyết tâm, là hành động hiệu quả của người đứng đầu, của CB-CC-VC, của các doanh nghiệp và người dân TP.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh tại Hội thảo Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho TPHCM: “Ra quyết định dựa trên dữ liệu: Chìa khóa của Chuyển đổi số và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra sáng 16/12.

ra-quyet-dinh-dua-tren-du-lieu-chia-khoa-cua-chuyen-doi-so-va-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-voh.com.vn-anh1
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi bên lề hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, trong đợt đại dịch Covid-19 đã bộc lộ 3 vấn đề lớn đối với thành phố. Thứ nhất là quản trị thành phố trong tình hình mới. Thứ hai là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố. Thứ ba, từ đổi mới công tác quản trị, sẽ tìm ra động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai. Đây là ba vấn đề mà thành phố đã nhận ra và thấy cần phải tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của TPHCM. Trong bối cảnh đó, thành phố xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch còn diễn ra phức tạp, đây sẽ là những cơ hội xuất hiện những tình huống để đẩy nhanh chuyển số, cũng là cơ hội để hướng dẫn từng bước cập nhật kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người dân: “Chúng tôi xác định cán bộ, công chức, người dân là lực lượng chính để quyết định thành công của chuyển đổi số, trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Do vậy, chuyển đổi số có sứ mệnh mới, sáng tạo và ứng dụng những giải pháp công nghệ số để duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, nhằm góp phần phòng chống dịch thành công và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến suy thoái kinh tế. Điều này đòi hỏi mỗi lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động phải hiểu sâu về chuyển đổi số”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong chính phủ của các nước trên thế giới, đồng thời gợi mở giải pháp năng lực số cho Việt Nam và TPHCM. Theo bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia cao cấp về khu vực công, Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đang ở “giữa các ngả đường” trong xếp hạng quốc tế về kinh tế số và Chính phủ. Mặc dù có những sắp xếp quản trị tốt hơn cho cải cách Chính phủ điện tử - Chính phủ số trong những năm gần đây, tuy nhiên tiến độ vẫn còn chậm, và triển khai hạn chế do: quy trình nội bộ nhằm xử lý các dịch vụ công vẫn chủ yếu dựa vào giấy tờ; Đầu tư cho Chính phủ số vẫn thiếu một số cơ chế tài chính rõ ràng và phù hợp; các cơ quan Chính phủ chưa chia sẻ dữ liệu/thông tin trong đó bao gồm cả lý do thiếu khung pháp lý để chia sẻ dữ liệu.

Chia sẻ bài học từ các nước trên thế giới, bà Trần Thị Lan Hương nói: “Các yếu tố về dữ liệu là các yếu tố mà các Chính phủ hiện nay đang chú trọng ưu tiên, nâng cấp trong cơ quan công quyền của mình. Ngoài ra, các Chính phủ như Singapore, Israel, các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất hoặc ngay cả các quốc gia ở châu Phi cũng có các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ công chức, những người làm công vụ. Chúng tôi cũng mong muốn thời gian tới đây sẽ trao đổi thêm với TPHCM về việc thử nghiệm trong chương trình hợp tác nâng cao kỹ năng số cho Việt Nam”.

Đánh giá về kho dữ liệu dùng chung trong thời gian qua, phát biểu từ điểm cầu Thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Thủ Đức cho rằng: “Trong thời gian qua TPHCM nhiều cố gắng để hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung. Kho dữ liệu dùng chung đối với chúng ta rất cần thiết, tuy nhiên theo tôi việc lấp đầy kho dữ liệu dùng chung từ các sở, ngành, địa phương chúng ta làm còn tương đối chậm. Một vấn đề hết sức quan trọng, là sự liên thông, sử dụng và chia sẻ thông tin, phân quyền thông tin cũng còn chậm”.

Do đó, ông Nguyễn Kỳ Phùng đề xuất, cần phải có một tổ công tác “đặc biệt trong việc thực hiện và chịu trách nhiệm về kho dữ liệu dùng chung này. 

Trân trọng và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành, các chuyên gia, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM bày tỏ: “Dữ liệu càng khai thác thì sẽ càng “giàu” lên, từ những dữ liệu thô chúng ta tạo ra các dữ liệu thứ cấp, có khi những dữ liệu thứ cấp lại còn giá trị hơn dữ liệu ban đầu. Lúc đó, chúng ta thực sự có trong tay những dữ liệu lớn. Khi có dữ liệu đủ lớn, khi chúng ta có đầy đủ các công cụ thì chúng ta có thể đưa ra những quyết định hết sức chính xác, những dự báo cho tương lai hết sức sát với thực tế. Đó là một trong những vấn đề mà lãnh đạo thành phố rất mong muốn được thực hiện”.

Bình luận