Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam thuộc nhóm mức thuế cao nhất thế giới gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh đây là vấn đề "rất cấp bách", không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu mà còn tác động tới toàn bộ bức tranh kinh tế của TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi đóng vai trò trọng yếu trong sản xuất và xuất khẩu.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM nhận định chính sách thuế mới từ Mỹ không đơn thuần xuất phát từ yếu tố thương mại mà mang nhiều tầng ý nghĩa chính trị - kinh tế vĩ mô.

Ông nhấn mạnh cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giữ tỉ giá ổn định, kiểm soát lạm phát và nợ công, đồng thời khuyến khích một chính phủ linh hoạt, sát cánh cùng doanh nghiệp. Việt Nam cũng cần tận dụng các xu hướng toàn cầu như chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế số, chuỗi cung ứng ngắn hơn để thích nghi nhanh chóng.
Tại cuộc họp, các đại diện doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề đều bày tỏ lo ngại trước “cú sốc thuế quan” bất ngờ từ Mỹ.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết ngành gỗ đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề khi hơn 50% doanh nghiệp hội viên đang xuất khẩu sang Mỹ, chiếm đến 52% tổng doanh số.
Ban đầu nhiều doanh nghiệp hoang mang, lo sợ đơn hàng bị hủy hoặc ngừng xuất khẩu. Đến nay các doanh nghiệp vẫn đang giao thương bình thường, chưa ghi nhận biến động lớn từ phía đối tác.
Ông Phương kiến nghị Chính phủ cần đàm phán khẩn cấp để hoãn áp thuế ít nhất 45-90 ngày, tạo "khoảng thở" cho doanh nghiệp chuẩn bị. Đồng thời, cần có biện pháp tháo gỡ rào cản thương mại và hỗ trợ về tín dụng tương tự giai đoạn Covid-19, bởi nếu các đơn hàng bị hoãn hoặc hủy, dòng tiền doanh nghiệp sẽ bị đứt gãy nghiêm trọng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM cho biết nếu mức thuế 46% được áp dụng, doanh nghiệp trong ngành gần như không thể trụ vững.
Ông dẫn chứng giai đoạn 2010, khi chỉ bị áp thuế 10%, ngành đã rất chật vật. Nay một số đối tác Mỹ đã bắt đầu đề xuất ngừng đơn hàng giao vào tháng 5. Doanh nghiệp cần có thời gian thích ứng và hỗ trợ để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động.
Ở lĩnh vực dệt may, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng, chiếm trung bình 20-30% doanh thu ngành, có doanh nghiệp lên đến 70%.
Năm 2024, xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, riêng thị trường Mỹ đóng góp 18 tỷ USD. Ông đề xuất giãn thời gian nộp thuế VAT và hỗ trợ tài chính vì dự báo trong 3-6 tháng tới doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về dòng tiền.
Về dài hạn, cần chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp nội địa chuyển đổi chuỗi cung ứng, sử dụng công nghệ cao và hướng đến phát triển bền vững, xanh hóa sản xuất.