Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kiến nghị cấm là đúng

(VOH) - UBND TPHCM vừa ban hành văn bản 4335 báo cáo tình hình, kết quả quản lý về kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn.

Theo đó, TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình, hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh vì những biến tướng tiêu cực của nó. Trong trường hợp không thể cấm thì cũng cần có những quy định quản lý bắt buộc chặt chẽ hơn để không ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Để nghe toàn bộ nội dung bài viết "Kiến nghị cấm là đúng", các bạn click vào phía dưới

Nghị định 104 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ được ban hành vào ngày 14/6/2007 trên cơ sở xét đề nghị của Bộ Tài chính với bối cảnh Việt Nam trong tiến trình luật hóa nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ các loại hình kinh doanh nhưng cũng tạo điều kiện thực hiện các quyền về tự do kinh doanh, quyền được thành lập và sở hữu doanh nghiệp trong môi trường kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Hình minh họa

Tuy nhiên, để thẩm định tính hiệu quả của các quy định pháp luật nói chung, trong đó có những quy định về ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì quá trình thực thi pháp luật hay nói cách khác, phải đến khi luật đi vào cuộc sống mới có câu trả lời chính xác nhất. Và để hoàn thiện dần các quy định pháp luật, những nhà làm luật buộc phải tiến hành sửa đổi, bổ sung nhiều lần, kể cả phải bãi bỏ hoặc thay thế bằng những quy định pháp luật khác phù hợp hơn với thực tiễn quản lý xã hội.

Trở lại Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, qua hơn 10 năm đã bộc lộ nhiều kẽ hở bởi trong thực tế, hoạt động này đã làm nảy sinh những biến tướng khó lường.

Có người gọi đây là ngành nghề dễ mắc chứng “ 3 cảm”, đó là: nhạy cảm, vô cảm và phản cảm.

Nhạy cảm, bởi nhân viên đòi nợ dễ lạm dụng vỏ bọc hợp pháp để làm chuyện phi pháp. Mà đã vậy, chỉ có thể là vô cảm mới cố tình vi phạm pháp luật vì chỉ biết cái lợi cho riêng mình, bất chấp hậu quả cho xã hội. Còn phản cảm, nghĩa là về tên gọi hay câu chữ và sự xuất hiện của nó gợi lên những điều xấu xa.

Chưa hết, ngành nghề này còn gợi lên trong suy nghĩ của nhiều người 3 chữ “L”, đó là: lạm quyền, lộng hành và lãi cao.

Lạm quyền là lợi dụng việc được pháp luật thừa nhận, nhiều công ty, tổ chức đòi nợ thuê khuếch trương thanh thế, sử dụng giang hồ núp bóng dưới vỏ bọc nhân viên của mình để khủng bố tinh thần, thậm chí bắt cóc, giam lỏng, hành hung con nợ, dọa nạt người thân, gia đình con nợ, cưỡng đoạt tài sản, tập trung đông người... Nói chung là họ sử dụng cách làm bất hợp pháp để gây sức ép, khiến con nợ bấn loạn, hoảng sợ mà trả tiền cho thân chủ.

Nhiều công ty dưới danh nghĩa đòi nợ hợp pháp nhưng hành động phi pháp để thu hồi nợ. Thực tế còn xuất hiện những tổ chức, cá nhân giả danh để đòi nợ thuê nên áp dụng các chiêu thức còn ghê rợn hơn khiến người dân bất an bội phần.

Đó là kiểu hành xử lộng hành khiến tình hình an ninh trật tự xã hội thêm phức tạp. Thậm chí từng xảy ra những vụ đòi nợ dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau gây chết người, mang lại khá nhiều hệ luỵ cho xã hội.

Trong khi đó, dịch vụ đòi nợ thuê là ngành nghề có tỷ lệ hoa hồng thuộc loại khủng, lãi cao vì nhiều phi vụ, nhân viên đòi nợ thuê được trả đến 50% trên tổng số tiền thu hồi được từ con nợ. Nhưng để đạt được điều đó, con đường nhanh nhất là trấn áp con nợ, sẵn sàng bước qua giới hạn của pháp luật để đạt mục đích. Khi đó, con nợ có thể bị đẩy vào con đường phạm pháp để có tiền trả nợ, làm phát sinh thêm tội phạm, gây rối loạn về trật tự an ninh.

Đến đây câu hỏi đặt ra, chẳng lẽ pháp luật chỉ bảo vệ con nợ mà bỏ qua lợi ích hợp pháp của chủ nợ?

Cần khẳng định rằng, luật pháp không bảo vệ riêng ai mà cũng không bỏ ai. Pháp luật chỉ bảo vệ lẽ phải và răn đe, trừng trị những kẻ phạm pháp. Vậy chúng ta cứ hành xử đúng pháp luật, tự khắc sẽ được bảo vệ. Thành ra chuyện vay mượn giữa các chủ thể nếu được thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật thì hoàn toàn có thể nhờ các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án để phân xử. Đó là nền tảng tin cậy nhất để đảm bảo công bằng trong quan hệ xã hội. Còn nếu sử dụng “luật rừng” như không ít công ty đòi nợ thuê áp dụng sẽ khó được xã hội chấp nhận.

Vì vậy ngay sau khi UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê vào danh mục cấm thì dư luận nhân dân đã thể hiện sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi.  

Thực tế, trước những diễn biến ngày càng tiêu cực, nguy hiểm của dịch vụ đòi nợ thuê, tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất tăng cường kiểm soát, siết chặt quản lý ngành nghề này như bổ sung đồng phục, đeo thẻ cho nhân viên, trình giấy giới thiệu khi hành nghề, kể cả đề xuất Bộ Công an quản lý dịch vụ đòi nợ thuê. Tuy nhiên, những động thái kể trên khó phát huy hiệu quả và chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn nếu có tổ chức, cá nhân đòi nợ thuê nào cố tình vi phạm pháp luật.

 Chẳng hạn việc mặc đồng phục hay đeo thẻ cho nhân viên cũng không thể làm thay đổi bản chất cách hành xử lưu manh, giang hồ của nhiều nhân viên đòi nợ, vì “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Trong khi đó, việc đảm bảo an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật thì thực chất đã là chức năng của ngành công an rồi!

Dẫu biết rằng trong môi trường tự do kinh doanh, việc xuất hiện dịch vụ đòi nợ thuê cũng là điều dễ hiểu nhưng với những biến tướng bất thường của nó cho thấy dư luận xã hội ta chưa thể chấp nhận sự tồn tại của loại hình kinh doanh này. Nghĩa là, đòi nợ thuê có thể được hợp pháp hóa ở thời điểm nào đó trong tương lai nhưng trong bối cảnh hiện nay thì không nên.

Thẩm định sự tồn tại thời gian qua và thực tiễn quản lý, cũng như xét tính chất ổn định trật tự xã hội thì việc UBND TPHCM kiến nghị đưa hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh là đúng, phù hợp với mong muốn của đại đa số nhân dân và rất cần được các Bộ, ngành liên quan xem xét.

Bình luận