Gần 1.000 doanh nghiệp tham gia trưng bày trên diện tích hơn 360.000m2, giới thiệu hơn 100 mẫu xe ra mắt lần đầu toàn cầu. Tâm điểm của sự kiện là các thương hiệu nội địa hàng đầu như BYD, Geely (với thương hiệu Zeekr) và các thương hiệu con mới nổi như Xiaomi, Fang Cheng Bao (BYD).

Các hãng xe quốc tế như Volkswagen, Toyota, Nissan, Mercedes-Benz và Cadillac cũng không đứng ngoài cuộc cạnh tranh giành sự chú ý tại thị trường xe lớn nhất thế giới này.
Cuộc chiến giá xe điện (EV) kéo dài nhiều năm qua tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, với BYD tiếp tục gây áp lực lên các đối thủ bằng chiến lược sử dụng quy mô lớn để giảm chi phí.
Thị trường xe năng lượng mới (NEV - bao gồm xe thuần điện và hybrid) tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, chiếm hơn một nửa tổng doanh số xe mới tại Trung Quốc trong những tháng gần đây – một tỷ lệ vượt xa hầu hết các thị trường lớn khác. Nhiều mẫu xe hybrid mới ra mắt tại Thượng Hải được định vị cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe bán chạy như Tesla Model Y.
Bên cạnh giá cả, công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS) đã trở thành mặt trận cạnh tranh mới khốc liệt. BYD gây chú ý khi tuyên bố trang bị miễn phí hệ thống "God's Eye" trên toàn bộ dòng sản phẩm, kể cả các mẫu xe giá rẻ.

Zeekr của Geely cũng có kế hoạch giới thiệu công nghệ tự lái cấp độ 3. Các hệ thống này được xem là yếu tố quan trọng để các hãng xe tạo sự khác biệt trong một thị trường EV ngày càng đông đúc và cạnh tranh gay gắt.
Tuy nhiên, kế hoạch quảng bá rầm rộ các tính năng lái xe "thông minh" hay "tự hành" tại triển lãm đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự siết chặt quản lý từ chính phủ Trung Quốc.
Sau vụ tai nạn liên quan đến xe Xiaomi SU7 vào tháng 3, các nhà quản lý đã cấm sử dụng các thuật ngữ dễ gây hiểu lầm, yêu cầu mô tả chính xác là "hỗ trợ lái" theo cấp độ.
Các quy định mới cũng cấm thử nghiệm công cộng các tính năng tự lái beta, hạn chế các chức năng như đỗ xe/triệu hồi xe từ xa và kiểm soát chặt chẽ việc cập nhật phần mềm qua mạng (OTA) mà không có phê duyệt.
Các hãng như Tesla, Huawei và Zeekr đã phải điều chỉnh thông điệp marketing, nhấn mạnh hơn vào sự cẩn trọng của người lái và các công nghệ khác như pin.
Trong bối cảnh đó, Tesla tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức tại Trung Quốc. Sự xuất hiện của hàng loạt mẫu xe Trung Quốc mới với công nghệ và giá cả cạnh tranh, được mệnh danh là "kẻ hủy diệt Model Y", hứa hẹn sẽ gia tăng áp lực lên Tesla không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Dù có sự phục hồi doanh số trong tháng 3, thị phần NEV của Tesla trong quý đầu năm 2025 chỉ còn khoảng 5.6%, giảm mạnh so với những năm trước và xếp sau các đối thủ nội địa như BYD (chiếm gần 30%), đó cũng là một trong những lý do hãng xe Mỹ này cũng vắng mặt tại triển lãm Thượng Hải năm nay.