Điều 35 của dự thảo luật nêu rõ ba trường hợp được miễn trách nhiệm: Cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong các trường hợp gồm phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên, nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành.
Thực hiện hành vi được cơ quan có thẩm quyền xác định là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; và trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong các trường hợp phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên, nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành. Lý do được miễn trách nhiệm là bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Dự thảo giữ nguyên các hình thức kỷ luật hiện hành cho cán bộ vi phạm (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm) và bổ sung hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm.

Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.
Việc kỷ luật với công chức, theo dự luật mới gồm các hình thức khiển trách; cảnh cáo; cách chức; buộc thôi việc; xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm.
So với luật hiện hành bổ sung hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm.
Bộ Nội vụ cho biết những thay đổi này nhằm quán triệt các quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo tính đồng bộ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác cán bộ trong tình hình mới, đồng thời tăng cường ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát quyền lực.
Quy định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm được Bộ Nội vụ nhấn mạnh là hướng đến việc tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút người tài năng vào làm việc trong hệ thống chính trị, và khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tập thể, xã hội.
Tại dự luật cũng dành một chương quy định về vị trí việc làm. Trong đó về khái niệm vị trí việc làm, dự luật đang đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: vị trí việc làm là tên gọi xác định nhiệm vụ của công việc cụ thể gắn với chức danh chuyên môn nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị, là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ.
Phương án 2: vị trí việc làm là tên gọi chức danh công chức chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, gắn với công việc và vị trí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền và kết quả, sản phẩm cụ thể.
Dự thảo cũng đề xuất phân loại vị trí việc làm gồm vị trí việc làm cán bộ; vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Về nguyên tắc xác định vị trí việc làm, dự thảo quy định phải phù hợp với tổ chức bộ máy, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn. Bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Đối với căn cứ xác định vị trí việc làm sẽ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.