Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần chủ động xây dựng nhiều kịch bản khác nhau trước hạn chót đàm phán với Mỹ vào ngày 9/4.
Chiều 2/4 theo giờ Washington, Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch tăng thuế nhập khẩu mang tính đối ứng, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế cao thứ hai chỉ sau Campuchia. Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, động thái này không chỉ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu mà còn tạo áp lực lên lạm phát, tỷ giá, thị trường tài chính và chứng khoán trong nước.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 8 của Mỹ với tổng kim ngạch năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, trong đó xuất siêu gần 124 tỷ USD – xếp thứ ba sau Trung Quốc và Mexico. Với vai trò là thị trường xuất khẩu then chốt, việc bị áp thuế cao sẽ tác động trực tiếp đến hàng loạt ngành chủ lực.

Cụ thể, nhóm ngành điện tử – chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ – có thể chịu ảnh hưởng nhẹ hơn do phụ thuộc vào các tập đoàn FDI, nhưng vẫn có nguy cơ giảm hấp dẫn đầu tư mới, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn. Trong khi đó, dệt may và da giày – chiếm 21,9% – sẽ gặp khó khăn rõ rệt bởi sức ép cạnh tranh quốc tế và độ nhạy cảm về giá.
Ngành gỗ (7,6%) tuy có chuỗi cung ứng ổn định nhưng cũng bị đe dọa giảm sức mua khi người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng lâu bền. Đặc biệt, ngành nông - thủy - hải sản đang chịu áp lực rất lớn: trong năm 2025, chỉ riêng thuế bổ sung có thể khiến ngành này mất gần 1 tỷ USD nếu giá trị xuất khẩu dự báo đạt trên 2 tỷ USD.
Cùng với đó, ngành thép và nhôm – tuy quy mô nhỏ hơn (khoảng 1,8 tỷ USD xuất khẩu năm 2024) – cũng bị đánh thuế nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh.
Trước tình hình đó, các chuyên gia đề xuất Chính phủ cần khẩn trương xây dựng các kịch bản điều hành kinh tế phù hợp với từng mức thuế. Đồng thời, cần thúc đẩy đàm phán thương mại với Mỹ, sẵn sàng trao đổi cởi mở về việc điều chỉnh thuế đối ứng và tăng nhập khẩu các mặt hàng Mỹ có thế mạnh, nhằm hướng tới cân bằng thương mại.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh tận dụng 17 hiệp định FTA hiện có, nhất là với các thị trường tiềm năng như châu Phi, Nam Mỹ, thị trường Halal, để đa dạng hóa đối tác và chuỗi cung ứng.
Các bộ, ngành liên quan cũng cần chủ động xây dựng nhóm giải pháp cho từng lĩnh vực bị ảnh hưởng, tăng khả năng thích ứng của doanh nghiệp, hỗ trợ thông tin, tư vấn và tập hợp kiến nghị để đàm phán hiệu quả với đối tác Mỹ.
Với cộng đồng doanh nghiệp, ông Lực nhấn mạnh vai trò chủ động trong cập nhật thông tin, làm việc với các cơ quan đại diện thương mại, tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển kinh doanh tuần hoàn để tối ưu chi phí. Mục tiêu là hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ các đòn thuế mới, đồng thời bảo vệ vị thế xuất khẩu bền vững của Việt Nam trong dài hạn.