Mỹ áp thuế "sốc" với hàng hóa Việt Nam: Mức cao nhất lên đến 46%

VOH - Nhà Trắng cho biết mức thuế 10% sẽ có hiệu lực từ 5/4, còn thuế cao hơn sẽ bắt đầu từ 9/4. Việt Nam, với tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố chính sách thuế thương mại mới, áp mức thuế cơ bản 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ và thuế bổ sung cao hơn với những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại Vườn Hồng, ông Trump tuyên bố chính sách thuế mới nhằm đối phó tình trạng mà ông cho là “bất công thương mại”, khi hàng hóa Mỹ bị đánh thuế cao hơn so với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. “Thế giới đang lợi dụng chúng ta. Đã đến lúc thay đổi,” ông nhấn mạnh.

Ngoài mức thuế phổ thông 10%, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng, tức mức thuế bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đang áp dụng lên hàng hóa Mỹ. Đặc biệt, một loạt nước có thặng dư thương mại cao với Mỹ sẽ chịu thuế nặng hơn. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị áp thuế cao nhất – tới 46% đối với 90% mặt hàng xuất khẩu.

Theo biểu đồ do ông Trump công bố, mức thuế mới mà Mỹ áp cho một số nước gồm: Trung Quốc 34%, Hàn Quốc 25%, Nhật Bản 24%, Đài Loan 32%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%, còn Việt Nam bị đánh thuế cao nhất với 46%.

My -Donald Trumps
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới tại sự kiện ở Vườn hồng, bên trong Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters

Chính quyền Mỹ kỳ vọng động thái này sẽ buộc các quốc gia điều chỉnh chính sách thương mại và dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật mà họ cho là đã gây ra tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ lên đến 1.200 tỷ USD trong năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chính sách này có thể gây tác dụng ngược. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang lệ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đối mặt với chi phí tăng vọt, lợi nhuận suy giảm hoặc buộc phải tăng giá bán sản phẩm.

Ông Alex Jacquez, chuyên gia của tổ chức Groundwork Collaborative, nhận định chính sách thuế đối ứng quá phức tạp để triển khai. “Không thể thực hiện được với hàng chục nghìn loại sản phẩm và mã thuế khác nhau,” ông nói.

Một số ý kiến cho rằng, mục tiêu thực sự của Tổng thống Trump không chỉ nhằm bảo hộ sản xuất nội địa, mà còn là đòn bẩy để ép các nước ký kết các thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ trong năm bầu cử.

Phản ứng trước động thái này, nhiều quốc gia đã lên tiếng. Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds tuyên bố London vẫn sẽ theo đuổi thỏa thuận thương mại với Washington nhằm giảm thiểu tác động từ mức thuế 10%. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Anh “không loại trừ bất kỳ biện pháp đáp trả nào”.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni thì gọi chính sách thuế mới là “sai lầm” và cảnh báo nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại sẽ khiến phương Tây suy yếu.

Từ Sydney, Thủ tướng Australia Anthony Albanese thẳng thừng tuyên bố mức thuế của Mỹ là “phi lý” và “không giống hành xử của một người bạn”. Tuy vậy, ông khẳng định Australia sẽ không đáp trả bằng thuế quan.

 

 
Bình luận