Sự phát triển của “nền kinh tế cô đơn” tại Hàn Quốc

VOH - Suh, một người đàn ông Hàn Quốc, tập trung chi tiêu cho thú cưng sau khi ly hôn. Anh cho rằng khoản chi này xứng đáng vì thú cưng giúp anh bớt cô đơn.

Suh, 40 tuổi, sau khi kết thúc 4 năm hôn nhân hiện tại dồn tiền chi cho việc chăm sóc chú chó Maltese. Khoản chi cho đồ ăn và dịch vụ tỉa lông của Maltese đã cao hơn mức trung bình 142.000 won của một người nuôi thú cưng Hàn Quốc. Mức này được thống kê và công bố bởi Bộ Nông nghiệp trong báo cáo năm 2024.

Suh thừa nhận chi có hơi quá tay nhưng cho rằng khoản chi “xứng đáng”.

Suh chia sẻ Maltese giúp anh “bớt cô đơn”. Anh xem chó cưng là nguồn vui và hạnh phúc, khi không có con và ít liên lạc với người thân, bạn bè.

Screen-Shot-2025-04-19-at-11-5-5252-7294-1745038445
Người Hàn dùng bữa trưa miễn phí ở tòa thị chính Busan, Hàn Quốc - Ảnh: KT

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, Suh là minh chứng cho việc nền “kinh tế cô đơn” đang ngày một phát triển. “Nền kinh tế cô đơn” ám chỉ mô hình nơi các doanh nghiệp kiếm tiền từ cảm giác cô lập và thiếu kết nối xã hội của con người.

Lĩnh vực này hội tụ các doanh nghiệp ở các mảng tư vấn tâm lý, trị liệu, ứng dụng và dịch vụ hẹn hò.

Giáo sư kinh tế Shin Se-don ở Đại học Sookmyung (Seoul) cho biết hoạt động của các doanh nghiệp này phát triển gắn liền với sự gia tăng các hộ gia đình một người, gồm người độc thân, ly hôn hoặc góa.

"Không phải mọi hộ một người đều cô đơn, vì nhiều người trẻ chọn sống một mình để tận hưởng cuộc sống độc thân", giáo sư Shin nói. “Nhưng cũng có người buộc phải sống một mình và tìm cách vượt qua cô đơn bằng nhiều cách”.

Ông dẫn chứng số liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc năm 2023 cho thấy có 7,82 triệu hộ một người trong năm đó. Con số này tăng 4,4% so với năm trước, chiếm 35,5% tổng số hộ cả nước, mức cao nhất từ khi bắt đầu thống kê năm 2015.

Có đến 35,9% trong số này là người dưới 30 tuổi. Dù tỷ lệ kết hôn gần đây tăng nhẹ, vẫn có nhiều người muốn trì hoãn lập gia đình do chi phí cưới hỏi, nhà ở, nuôi con và áp lực tài chính.

Có nhiều người Hàn Quốc không muốn kết hôn, nhưng cũng có người muốn có bạn đời nên tìm kiếm một nửa qua ứng dụng hẹn hò, dịch vụ mai mối hoặc thuê bạn trai, bạn gái theo giờ.

Ông Jung Ho-chul, giám đốc Liên minh Công dân vì công lý kinh tế Hàn Quốc, cho rằng ly hôn và việc bạn đời mất do xã hội già hóa khiến thúc đẩy phụ thuộc vào "nền kinh tế cô đơn".

Dữ liệu OECD 2023 cho thấy Hàn Quốc đứng thứ hai châu Á về tỷ lệ ly hôn, với 1,8 vụ ly hôn trên 1.000 người, sau Thổ Nhĩ Kỳ (2,1).

Bình luận