Lãnh đạo thế giới phản ứng dồn dập sau đòn thuế của Tổng thống Trump

VOH - Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sắc lệnh áp mức thuế cơ bản 10% lên tất cả hàng nhập khẩu và thuế đối ứng lên hàng chục quốc gia, nhiều lãnh đạo thế giới đã nhanh chóng lên tiếng.

Các đồng minh truyền thống của Mỹ như Canada, Anh, Australia, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đều tỏ rõ sự bất bình. Thủ tướng Canada Mark Carney khẳng định Ottawa sẽ có các biện pháp đáp trả phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích và người lao động Canada. Ông tuyên bố: “Chúng tôi không tìm kiếm đối đầu, nhưng cũng không chấp nhận để bị chèn ép.”

Từ Mexico, Tổng thống Claudia Sheinbaum cho biết nước này không chọn cách trả đũa trực tiếp, thay vào đó sẽ triển khai một kế hoạch kinh tế toàn diện nhằm củng cố sức mạnh nội tại, tránh bị cuốn vào vòng xoáy thuế quan với Mỹ – đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Trumps
 Tổng thống Trump - Ảnh: People

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer – người mới có cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng – tỏ ra thận trọng hơn. Ông cho rằng “phản ứng bằng cách lao vào một cuộc chiến thương mại chỉ làm cả hai bên thiệt hại,” và kêu gọi các bên đối thoại trên tinh thần xây dựng.

Còn Thủ tướng Australia Anthony Albanese không giấu được sự thất vọng, cho rằng “các biện pháp thuế quan của Mỹ là phi lý và không phải hành động của một người bạn.” Ông nhấn mạnh Canberra sẽ không vội vã trả đũa, nhưng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình.

Tại châu Âu, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất, tuyên bố châu Âu sẽ “tự bảo vệ mình một cách quyết đoán, hợp lý và đoàn kết.” EU cũng đang khẩn trương xây dựng các kịch bản đối phó với nguy cơ leo thang thương mại.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Thủ tướng Ireland Micheál Martin đều bày tỏ mong muốn tránh một cuộc chiến thuế quan, nhưng khẳng định sẽ bảo vệ nền kinh tế quốc gia và lợi ích người lao động bằng mọi biện pháp cần thiết.

Đáng chú ý, ngay cả những lãnh đạo vốn được coi là gần gũi với ông Trump như Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng không hoàn toàn ủng hộ chính sách thuế mới của Mỹ. Bà gọi đây là “cách tiếp cận sai lầm” và cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ khiến phương Tây suy yếu, tạo điều kiện cho các đối thủ cạnh tranh trỗi dậy.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thì quan ngại tác động lâu dài của các biện pháp thuế quan đối với thương mại toàn cầu. Thống đốc Kazuo Ueda cho biết cơ quan này sẽ theo dõi sát các phản ứng chính sách và điều chỉnh dự báo kinh tế nếu cần.

Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter thì nhấn mạnh nước này sẽ ưu tiên lợi ích dài hạn và tiếp tục bảo vệ nguyên tắc thương mại tự do. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Laura Sarabia nhìn nhận đây là một cơ hội để “tái cơ cấu luật lệ thương mại toàn cầu” và thúc đẩy đa dạng hóa thị trường.

Đòn thuế của ông Trump đang khuấy động mạnh mẽ sân khấu chính trị và kinh tế toàn cầu, trong lúc giới quan sát quốc tế lo ngại các động thái trả đũa có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền, đẩy thế giới vào một chu kỳ căng thẳng thương mại mới và khó kiểm soát.

 
Bình luận