Nhật Bản ghi nhận số doanh nghiệp phá sản kỷ lục

VOH - Năm tài chính 2024, Nhật Bản ghi nhận số lượng doanh nghiệp phá sản đạt mức cao kỷ lục trong hơn một thập kỷ, phản ánh những khó khăn kéo dài của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Theo kết quả điều tra do công ty dữ liệu doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản Teikoku Databank (TDB) công bố, từ ngày 1/4/2024 đến 31/3/2025, đã có 10.070 doanh nghiệp tuyên bố phá sản, tăng 13,4% so với năm tài chính trước. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, số doanh nghiệp phá sản tại Nhật vượt ngưỡng 10.000.

Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dịch vụ, với 2.638 doanh nghiệp phá sản, tăng 20,6% và là mức cao nhất kể từ năm 2000. Ngành bán lẻ đứng thứ hai với 2.109 doanh nghiệp phá sản, tăng 12,5%. Ngành xây dựng xếp thứ ba với 1.932 doanh nghiệp, tăng 10,5%.

Doanh nghiep Nhat pha san
Trụ sở công ty Teikoku Databank 

Tổng số nợ mà các doanh nghiệp phá sản đang gánh ước tính gần 2.252,6 tỷ Yên, tương đương khoảng 16 tỷ USD. Theo giới chuyên môn, con số này cho thấy bức tranh ảm đạm của kinh tế Nhật Bản, vốn chịu tác động từ nhiều nguyên nhân phức tạp.

Tiến sĩ kinh tế Sakata Yoshihiro, chuyên gia nghiên cứu kinh doanh và doanh nghiệp, nhận định: “Ngay sau đại dịch Covid-19, khi môi trường kinh doanh trở lại bình thường, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể gượng dậy. Hiện nay đang diễn ra sự phân cực rõ nét giữa những doanh nghiệp có khả năng phục hồi và những doanh nghiệp tiếp tục lún sâu vào thua lỗ”.

Bên cạnh hệ quả của đại dịch, chính sách thuế quan bảo hộ mới đây của Mỹ cũng được xem là một yếu tố góp phần gia tăng phá sản. Các chuyên gia cảnh báo, các biện pháp thuế quan nhằm bảo vệ sản xuất trong nước của Mỹ đang tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật, làm giảm khả năng cạnh tranh và tạo thêm áp lực tài chính.

Ngoài ra, những biến động khó lường của tỷ giá đồng Yên và thị trường chứng khoán cũng đang làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có sức chống chịu yếu hơn trước biến động kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế dự báo tình hình có thể tiếp tục xấu đi trong thời gian tới nếu các yếu tố bất lợi không sớm được cải thiện. TDB nhấn mạnh, việc chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, như hỗ trợ tài chính, chính sách thuế linh hoạt, và thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế, nhằm tránh nguy cơ làn sóng phá sản lan rộng hơn.

Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa thị trường và tăng cường năng lực quản trị tài chính được xem là những giải pháp then chốt giúp doanh nghiệp Nhật Bản thích ứng với những thách thức mới và duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Bình luận