Những trao đổi này không chỉ mang tính song phương mà còn phản ánh chiến lược rộng hơn của Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Mỹ về thương mại và ảnh hưởng toàn cầu.
Trong các cuộc đối thoại, ông Vương kêu gọi Anh và các nước châu Âu hợp tác với Trung Quốc để duy trì trật tự quốc tế và phản đối các hành động “bắt nạt đơn phương” từ phía Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc lên án việc Washington sử dụng thuế quan như một công cụ tấn công, khiến nhiều nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng nặng nề, đi ngược lại với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Thực trạng này đang đưa quan hệ quốc tế trở lại thời kỳ “luật rừng”,” ông Vương cảnh báo, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết đứng lên bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và trật tự thương mại toàn cầu.
Ông cũng nhấn mạnh Bắc Kinh vẫn cam kết mở cửa nền kinh tế, tăng cường hợp tác cùng có lợi với tất cả các quốc gia và chia sẻ cơ hội phát triển.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Áo, ông Vương Nghị tiếp tục cảnh báo chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump và cả những biện pháp duy trì dưới thời đương nhiệm là một hình thức bảo hộ thương mại và bắt nạt kinh tế rõ rệt.
Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ và châu Âu với vai trò là hai trong những trụ cột lớn của kinh tế toàn cầu cần phối hợp để bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, duy trì sự mở cửa và công bằng.
Về phía Áo, Ngoại trưởng Meinl-Reisinger cho biết Vienna muốn thúc đẩy hợp tác cả song phương lẫn trong khuôn khổ EU với Bắc Kinh, đồng thời bày tỏ hy vọng cùng nhau ứng phó các thách thức toàn cầu. Đây cũng là dịp đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa EU và Trung Quốc.
Theo báo The Straits Times, Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm sự ủng hộ từ các đối tác thương mại trong bối cảnh chịu sức ép lớn từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Hiện tại, Washington đang áp mức thuế lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, thậm chí một số mặt hàng chịu thuế tới 245%. Đáp lại, Bắc Kinh đã tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ lên đến 125%, đồng thời hạn chế xuất khẩu các khoáng sản chiến lược, vốn là nguyên liệu thiết yếu cho ngành công nghệ cao.
Điều đáng chú ý là trong khi hơn 100 quốc gia đã chủ động tiếp xúc để đàm phán với Mỹ, thì Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang chọn hướng đi riêng: kết nối, củng cố liên minh thương mại với châu Âu và các quốc gia đang phát triển, thay vì nhượng bộ Washington.